Tin hoạt động Đảng - Đoàn thể Tin hoạt động Đảng - Đoàn thể

Phòng chống HIV
Publish date 25/10/2023 | 09:17  | Lượt xem: 183

   

Bài 1: CHƯƠNG TRÌNH BẢO HIỂM Y TẾ CHO NGƯỜI NHIỄM HIV/AIDS

   Nhằm kiểm soát và đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS, Chính phủ đã ban hành “Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”, trong đó tiếp tục đặt ra những mục tiêu, hoạch định các chương trình và giải pháp phòng, chống HIV/AIDS. Phòng, chống HIV/AIDS phải được coi là một nhiệm vụ quan trọng,   lâu dài, cần có sự phối hợp liên ngành của tất cả các cấp ủy Đảng, các Bộ,  ngành, chính quyền các cấp và là bổn phận, trách nhiệm của mỗi người dân,  mỗi gia đìnhmỗi cộng đồng. Chiến lược chỉ rõ: Nhà nước bảo đảm đầu tư các nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với diễn biến tình hình dịch HIV/AIDS, khả năng và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS. Trong đó, thực hiện bảo hiểm y tế là một giải pháp quan trọng.

          1/ Lợi ích của chương trình Bảo hiểm y tế:

+ Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm  được áp dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, không nhằm mục đích lợi nhuận, do nhà nước tổ chức thực hiện và người dân có trách nhiệm và quyền lợi tham gia.

+ Tham gia Bảo hiểm y tế  đã mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, nhất là các gia đình có mức thu nhập thấp khi chẳng may đau ốm.

+ Người tham gia Bảo hiểm y tế  nhiễm HIV/AIDS khi khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS và người tham gia BHYT khi sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS được hưởng các quyền lợi khám bệnh, chữa bệnh Bảo hiểm y tế  theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm y tế. Đảm bảo cho người nhiễm HIV/AIDS được điều trị kịp thời, không bị gián đoạn điều trị.

2/ Quyền lợi người tham gia Bảo hiểm y tế:

+ Người có thẻ Bảo hiểm y tế  khi đi khám chữa bệnh được Quỹ Bảo hiểm y tế trả toàn bộ hoặc một phần tiền

+ khám, chữa bệnh;

+ được cán bộ có chuyên môn y tế khám bệnh, chữa bệnh

+ được chuyển đến bệnh viện tuyến trên khi bệnh nặng.

3/ Các dịch vụ y tế được Bảo hiểm y tế chi trả:

Tùy từng trường hợp cụ thể Quỹ Bảo hiểm y tế  chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí khám chữa bệnh các dịch vụ sau: Khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; Khám thai định kỳ; Sinh đẻ; Khám bệnh để sàng lọc, chẩn đoán sớm một số bệnh; Vận chuyển khi đang điều trị nội trú cần chuyển lên tuyến trên;  Chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại y tế trường học đối với học sinh, sinh viên.

4/ Phạm vi quyền lợi, mức hưởng Bảo hiểm y tế đối với Người nhiễm HIV/AIDS:

Ngoài các quyền lợi chung, Người tham gia Bảo hiểm y tế  khi sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS được quỹ Bảo hiểm y tế chi trả các chi phí sau:

+ Thuốc (bao gồm cả ARV), hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi chi trả của quỹ Bảo hiểm y tế ;

+ Xét nghiệm HIV đối với phụ nữ mang thai và khi sinh con theo yêu cầu chuyên môn nếu không được các nguồn kinh phí khác chi trả;

+ Kỹ thuật đình chỉ thai nghén;

+ Khám bệnh, Xét nghiệm HIV, thuốc ARV và các dịch vụ khám chữa bệnh HIV/AIDS khác đối với trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV;

+ Xét nghiệm HIV theo yêu cầu chuyên môn trong khám chữa bệnh;

+ Xét nghiệm HIV, điều trị ARV đối với người phơi nhiễm với HIV, người nhiễm HIV do tai nạn rủi ro (trừ các trường hợp đã được ngân sách nhà nước chi trả);

+ Điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội.

Như vậy, nếu với những người không nhiễm HIV bảo hiểm y tế đã rất quan trọng trong bảo vệ sức khỏe thì với người nhiễm HIV bảo hiểm y tế còn quan trọng hơn nhiều. Bảo hiểm y tế giúp người nhiễm HIV được tiếp tục điều trị ARV khi không còn nguồn tài trợ quốc tế nhất là khi điều trị ARV là liên tục và suốt đời.

Vì vậy, việc người nhiễm HIV vượt qua rào cản tự ti, chủ động tham gia bảo hiểm y tế ngay từ hôm nay để tự bảo vệ tính mạng và sức khỏe của chính mình. Đó chính là giải pháp lâu dài, bền vững để đi đến chiến thắng trong cuộc chiến không ngừng nghỉ với đại dịch AIDS.

5/ Các trường hợp không được hưởng bảo hiểm y tế gồm:

Một là, chi phí đã được ngân sách nhà nước chi trả.

Hai là, xét nghiệm, chẩn đoán thai không nhằm mục đích điều trị.

Ba là,  khám chữa bệnh nghiện ma túy, nghiện rượu hoặc chất gây nghiện khác.

Bốn là, khám sức khỏe...

6/ Các mức chi trả của Bảo hiểm y tế đúng tuyến và không đúng tuyến:

a/ Mức hưởng Bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến:

100% chi phí khám chữa bệnh đối với: Quân đội, công an; Người có công với cách mạng, cựu chiến binh; Trẻ em dưới 6 tuổi; Người thuộc diện trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng; Người thuộc hộ gia đình nghèo; Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, người sống tại vùng đặc biệt khó khăn; sinh sống tại xã đảo, huyện đảo; Thân nhân của người có công với cách mạng: cha đẻ, mẹ đẻ, vợ/ chồng, con của liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ.

100% chi phí khám chữa bệnh khi: Tham gia BHYT trên 5 năm liên tục, và số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (7,8 triệu đồng); Khám chữa bệnh đúng tuyến.

95% chi phí khám chữa bệnh đối với: Người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; Thân nhân của người có công với cách mạng (trừ thân nhân liệt sĩ); Người thuộc hộ gia đình cận nghèo.

80% chi phí khám, chữa bệnh đối với các đối tượng khác.

Nếu tự chọn thầy thuốc, buồng bệnh thì Bảo hiểm xã hội thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo giá dịch vụ hiện hành của nhà nước áp dụng cho cơ sở khám chữa bệnh đó (còn lại người bệnh tự chi trả).

b/ Mức hưởng khi đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến Bảo hiểm y tế:

- Người nhiễm HIV có thẻ Bảo hiểm y tế đi khám chữa bệnh không đúng tuyến sẽ được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả như sau:

+ Bệnh viện tuyến huyện: Được chi trả 100%.

+ Bệnh viện tỉnh: Từ ngày 01/01/2016 đến 31/12/2020  được chi trả 60% chi phí điều trị nội trú. Từ ngày 01/01/2021 sẽ được chỉ trả 100% chi phí điều trị nội trú. Trong trường hợp khám chữa bệnh ngoại trú không đúng tuyến Bảo hiểm y tế ở bệnh viện tỉnh, Quỹ Bảo hiểm y tế sẽ không chi trả.

+ Bệnh viện trung ương: Được chi trả 40% chi phí điều trị nội trú. Trường hợp khám chữa bệnh ngoại trú không đúng tuyến Bảo hiểm y tế ở bệnh viện trung ương, Quỹ Bảo hiểm y tế sẽ không chi trả.  

Quy định về mức hưởng không đúng tuyến Bảo hiểm y tế này không áp dụng với các trường hợp:

+ Người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ nghèo đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

+ Người tham gia Bảo hiểm y tế đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo.

7/ Trách nhiệm của người dân khi tham gia Bảo hiểm y tế:

a/ Đóng phí để tham gia Bảo hiểm y tế:

- Mua thẻ Bảo hiểm y tế  cho tất cả thành viên trong hộ gia đình, cứ 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm một lần (Thẻ Bảo hiểm y tế  có giá trị sử dụng sau 30 ngày kể từ ngày người tham gia đăng ký và đóng tiền)

- Đóng phí mua thẻ trước khi hết hạn thẻ hàng năm (đóng tiền cho đại lý thu trước 10 ngày khi hết hạn thẻ).

b/ Bảo quản và sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế đúng cách:

Người mua Bảo hiểm y tế cần kiểm tra tên, tuổi ghi trên thẻ Bảo hiểm y tế khi nhận thẻ. Nếu thông tin không đúng thì báo ngay với đại lý thu phí mua thẻ Bảo hiểm y tế  để chỉnh sửa.

Không được cho người khác mượn thẻ.

Phải giữ gìn thẻ khỏi bị mất, rách, hỏng. Khi làm rách, hỏng hoặc mất thẻ thì làm đơn đề nghị với nơi đóng phí mua thẻ để được đổi hoặc cấp lại.

Khi sinh đẻ, khi ốm đau cần đến cơ sở y tế để khám bệnh, chữa bệnh theo Bảo hiểm y tế .

Đi khám chữa bệnh theo đúng nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu như đăng ký trong thẻ Bảo hiểm y tế .

Khi đi khám chữa bệnh cần mang theo thẻ Bảo hiểm y tế và chứng minh thư hoặc giấy tờ tùy thân có ảnh.

Mang theo thẻ Bhyt và hồ sơ chuyển viện khi được chuyển tuyến.

Mang theo thẻ Bảo hiểm y tế  và giấy hẹn khi đi khám lại.

Trong quá trình khám chữa bệnh cần thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ tế tại cơ sở đến khám chữa bệnh, hoặc khi chuyển lên tuyến trên.

Cần tuân thủ hướng dẫn điều trị của thầy thuốc để chữa bệnh có hiệu quả.

Phải thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh ngoài phần chi phí do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả theo quy định của pháp luật.

Bài 2: DỰ PHÒNG LÂY NHIỄM HIV TỪ MẸ SANG CON

 

1/ THỜI ĐIÊM LÂY TRUYỀN HIV TỪ MẸ SANG CON

Người phụ nữ mang thai nhiễm HIV  có thể truyền HIV cho con khi:

- Khi mang thai: HIV từ máu của mẹ nhiễm HIV qua rau thai vào cơ thể thai nhi.

- Khi chuyển dạ đẻ: HIV từ nước ối, dịch tử cung, dịch âm đạo của mẹ xâm nhập vào trẻ qua niêm mạc mắt, mũi, hậu môn hoặc da xây sát của trẻ trong quá trình sinh. Trong giai đoạn này, HIV cũng có thể từ trong máu của mẹ thông qua các vết loét ở cơ quan sinh dục mẹ và xâm nhập vào cơ thể trẻ sơ sinh.

- Khi cho con bú: HIV có thể lây sang con do HIV có trong sữa hoặc máu, dịch tiết từ các vết nứt ở núm vú người mẹ, nhất là khi trẻ có tổn thương ở niêm mạc miệng hoặc khi trẻ đang mọc răng cắn núm vú chảy máu.

2/ LỢI ÍCH CỦA DỰ PHÒNG HIV LÂY TRUYỀN TỪ MẸ SANG CON

- Nếu 100 phụ nữ mang thai nhiễm HIV mà không được dự phòng HIV lây truyền từ mẹ sang con thì có từ 30-40 trẻ sơ sinh ra từ những bà mẹ đó sẽ bị nhiễm HIV.

- Ngược lại nếu 100 phụ nữ mang thai nhiễm HIV mà được dự phòng  lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm đúng cách thì chỉ có từ 2-5 trẻ sinh ra từ bà mẹ đó sẽ bị nhiễm HIV.

3/ LÀM CÁCH NÀO ĐỂ LOẠI TRỪ ĐƯỢC LÂY TRUYỀN HIV TỪ MẸ SANG CON ?

Chúng ta hoàn toàn có thể loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con nếu:

  1. Dự phòng để không bị nhiễm HIV trước khi kết hôn, mang thai. Phòng tránh mang thai ngoài ý muốn cho phụ nữ nhiễm HIV.
  2. Phụ nữ mang thai cần được tư vấn xét nghiệm HIV sớm để được can thiệp dự phòng kịp thời.
  3. Phụ nữ mang thai nhiễm HIV cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con càng sớm càng tốt.
  4. Phụ nữ nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV tiếp tục được theo dõi, chăm sóc và điều trị tại cơ sở y tế.

4/ DỰ PHÒNG SỚM LÂY TRUYỀN HIV CHO PHỤ NỮ

Để dự phòng sớm lây truyền HIV, người phụ nữ và nam giới cần:

            - Chủ động áp dụng các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV:

          + Không dùng chung bơm, kim tiêm và dụng cụ xuyên chích qua da….;

          + Sử dụng bao cao su thường xuyên, đúng cách khi quan hệ tình dục...;

            - Chủ động đến các cơ sở y tế để tư vấn và xét nghiệm HIV trước khi kết hôn hoặc trước khi quyết định mang thai, nhất là bản thân người phụ nữ đã từng có hành vi nguy cơ hoặc có chồng là người nhiễm HIV, người sử dụng ma túy, người có quan hệ tình dục với gái mại dâm.

            -  Đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được phát hiện sớm và điều trị kịp thời khi có dấu hiệu mắc các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục.

5/ TƯ VẤN VÀ XÉT NGHIỆM HIV KHI MANG THAI

* Khi nào phụ nữ mang thai cần đi tư vấn và xét nghiệm HIV?

- Tất cả phụ nữ mang thai chưa biết tình trạng HIV cần đến cơ sở y tế để được tư vấn và xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt.

- Thời điểm xét nghiệm HIV tốt nhất trong vòng ba tháng đầu khi mang thai.

* Lợi ích của tư vấn và xét nghiệm sớm HIV khi mang thai ?

- Giúp người phụ nữ có đủ thông tin để dự phòng lây truyền HIV sang con.

- Nếu có kết quả xét nghiệm HIV âm tính (không nhiễm HIV), sẽ yên tâm khi mang thai.

- Nếu có kết quả xét nghiệm HIV dương tính (nhiễm HIV), sẽ:

        + Quyết định tiếp tục mang thai hay phá thai.

        + Được chuyển tới cơ sở điều trị HIV để được dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang  con kịp thời.

- Kết quả xét nghiệm HIV được giữ bí mật.

- Xét nghiệm HIV đơn giản, nhanh chóng và cho kết quả chính xác.

6/ ĐIỀU TRỊ THUỐC KHÁNG VI RÚT  (ARV)

* Mọi phụ nữ mang thai nhiễm HIV cần đến các cở sở y tế (phòng khám và điều trị ngoại trú HIV ) gần nhất để được đăng ký, tư vấn và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc ARV càng sớm càng tốt.

* Tại các cơ sở điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, phụ nữ mang thai nhiễm HIV sẽ được:

- Đăng ký điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

- Tư vấn về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bao gồm cả hướng dẫn chăm sóc thai sản , chọn nơi sinh, tuân thủ điều trị, cách nuôi dưỡng trẻ sau khi sinh và chẩn đoán sớm khi trẻ được 4-6 tuần tuổi.

- Khám đánh giá sức khỏe.

- Làm các xét nghiệm cần thiết phục vụ việc theo dõi và điều trị.

- Cung cấp thuốc kháng vi rút (ARV) để điều trị tại thời điểm sớm nhất.

7/ CHĂM SÓC VÀ HỖ TRỢ PHỤ NỮ MANG THAI NHIỄM HIV KHI CHUYỂN DẠ VÀ SINH ĐẺ

Khi sinh, khả năng lây truyền HIV từ mẹ sang con là rất cao nếu mẹ bị nhiễm HIV, do vậy:

- Hãy đề nghị thầy thuốc tư vấn, xét nghiệm HIV nếu chưa biết tình trạng nhiễm HIV.

- Bà mẹ sau sinh cần tiếp tục được điều trị ARV.

- Trẻ em ngay sau sinh (trong vòng 24 giờ ) cần được uống thuốc ARV theo đúng chỉ dẫn của thầy thuốc để tiếp tục dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

- Chủ động hỏi thầy thuốc để được tư vấn và hướng dẫn nuôi con bằng sữa mẹ hoặc dùng sữa ngoài để có lựa chọn phù hợp nhất.

8/ CHĂM SÓC VÀ HỖ TRỢ PHỤ NỮ NHIỄM HIV SAU KHI SINH CON

Phụ nữ nhiễn HIV sau khi sinh cần:

- Chủ động hỏi thầy thuốc để biết cách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cho con sau sinh.

- Đến cơ sở chăm sóc và  điều trị HIV/AIDS để được tiếp tục theo dõi sức khỏe và điều trị ARV.

- Khi trẻ được 4-6 tuần tuổi hãy đưa ngay đến cơ sở chăm sóc, điều trị HIV/AIDS để được: Tư vấn nuôi dưỡng trẻ đúng cách; Đăng ký theo dõi và điều trị bằng thuốc ARV; Xét nghiệm chẩn đoán sớm; Uống thuốc dự phòng nhiễm trùng cơ hội.

- Tiếp tục tuân thủ việc uống thuốc kháng vi rút (ARV) theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc.

- Chủ động sử dụng sớm các biện pháp tránh thai để tránh mang thai ngoài ý muốn.

9/ PHƯƠNG THỨC NUÔI DƯỠNG TRẺ SINH RA TỪ MẸ NHIỄM HIV:

* Phương thức thứ nhất: Nuôi con hoàn toàn bằng sữa bột (sữa công thức), khi gia đình và bà mẹ có đủ các điều kiện sau:

       + Đồng ý và hỗ trợ cách nuôi dưỡng này.

       + Có đủ khả năng mua và duy trì nuôi con bằng sữa bột trong 6 tháng đầu.

       + Có kiến thức và thực hành nuôi trẻ như cách vệ sinh cá nhân, vệ sinh dụng cụ pha sữa,   cách pha sữa đúng theo độ tuổi và sự phát triển của trẻ.

       + Đưa trẻ định kỳ đến cơ sở y tế để nhận được dịch vụ sức khỏe toàn diện của trẻ.

* Phương thức thứ hai: Nuôi con bằng sữa mẹ: Nếu không có đủ các điều kiện trên, bà mẹ vẫn có thể cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu. Sau đó có thể cho trẻ ăn bổ sung và tiếp tục cho bú mẹ trong 12 tháng đầu và cai sữa mẹ  sau 12 tháng.

 

Bài 3: CHƯƠNG TRÌNH ĐIỀU TRỊ THAY THẾ BẰNG METHADONE TRONG DỰ PHÒNG LÂY NHIỄM HIV/AIDS

 

Methadone là thuốc tổng hợp, là một chất đồng vận với chất dạng thuốc phiện, nghĩa là có tác dụng tương tự các chất dạng thuốc phiện như morphine, heroin nhưng có thời gian tác dụng kéo dài hơn.

Hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam, điều trị methadone nhằm 3 mục đích chủ yếu sau:

- Một là, methadone được dùng bằng đường uống, do vậy sẽ giảm tác hại do nghiện các chất dạng thuốc phiện gây ra như: lây nhiễm HIV, viêm gan B, C do sử dụng chung dụng cụ tiêm chích, tử vong do sử dụng quá liều các chất dạng thuốc phiện; hoạt động tội phạm.

- Hai là, giảm sử dụng các chất dạng thuốc phiện bất hợp pháp, giảm tỉ lệ tiêm chích chất dạng thuốc phiện.

- Ba là, cải thiện sức khỏe và giúp người nghiện duy trì việc làm, ổn định cuộc sống lâu dài, tăng sức sản xuất của xã hội.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy điều trị duy trì bằng thuốc methadone có thể giúp người nghiện heroin trong việc:

+ Dừng sử dụng hoặc giảm đáng kể lượng heroin sử dụng;

+ Dừng tiêm chích heroin (hoặc giảm đáng kể tần suất tiêm chích và giảm nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường máu và nguy cơ quá liều);

+ Cải thiện tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng;

+ Dừng các hành vi phạm pháp liên quan đến việc kiếm tiền mua heroin;

+ Cải thiện và ổn định quan hệ với gia đình;

+ Có công việc ổn định hơn và học tập tốt hơn.

Điều đó có nghĩa là khi tham gia chương trình methadone, người nghiện chất dạng thuốc phiện sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều dịch vụ y tế và xã hội khác, do  đó sẽ ít phải chịu áp lực trong cuộc sống, giảm nguy cơ sử dụng heroin và cuối cùng không dùng heroin nữa.

Điều trị methadone chỉ áp dụng với người nghiện chất dạng thuốc phiện (heroin) mà không áp dụng với những trường hợp nghiện rượu, thuốc lá, ma túy tổng hợp.  

Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone được triển khai ở Hà Nội từ năm 2009, đến tháng 6/2017 đã có 17 cơ sở điều trị methadone trên toàn Thành phố.

          Cùng với việc dừng hoặc giảm mức độ sử dụng ma túy, các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị đã có sự cải thiện đáng kể. Những thay đổi tích cực về giảm tỷ lệ sử dụng bơm kim tiêm chung trong tiêm chích ma túy và tăng tỷ lệ thường xuyên sử dụng bao cao su trong nhóm bệnh nhân tham gia chương trình sẽ góp phần dự phòng lây nhiễm HIV từ nhóm những người nghiện chích ma túy sang bạn tình của họ và cộng đồng. Đa số bệnh nhân có cải thiện về sức khoẻ, chuyển biến tích cực về thái độ cũng như cuộc sống sau một thời gian điều trị, Sự cải thiện tích cực về sức khoẻ tâm thần, chất lượng cuộc sống và quan hệ trong cộng đồng của bệnh nhân tham gia điều trị Methadone cũng là những thành công đáng ghi nhận của chương trình. Tình hình trật tự, an nình xã hội và an toàn của cộng đồng dân cư nơi có người nghiện chích ma túy cũng được cải thiện đáng kể (tỷ lệ bệnh nhân có các hành vi vi phạm pháp luật đã giảm. Việc tham gia điều trị thay thế bằng thuốc Methadone làm giảm chi phí đáng kể cho các gia đình có người nghiện các chất dạng thuốc phiện. Do người nghiện không mất tiền để mua ma túy và không tốn tiền để điều trị các bệnh tật do sử dụng, tiêm chích ma túy gây nên.

          Tăng cường công tác xã hội hoá trong điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone chính là góp phần thiết thực vào công cuộc PC HIV/AIDS tại Việt Nam, trong khu vực và trên toàn thế giới.

Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone được triển khai tại Hà Nội đã đạt được các kết quả tích cưc.

Hà Nội đang tiến hành xã hội hóa chương trình điều trị Methadone. Chương trình điều trị thay thế nghiện CDTP bằng thuốc Methadone có hiệu quả tốt: giúp bệnh nhân điều trị an toàn, thay đổi hành vi nhận thức, tăng thể trạng sức khoẻ, giảm sử dụng Heroin, giảm tội phạm do người nghiện gây ra.

          Bệnh nhân muốn điều trị methadone sẽ được bác sĩ, cán bộ cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người sử dụng ma túy hoặc trạm y tế cơ sở giới thiệu, chuyển gửi đến cơ sở điều trị methadone để được tư vấn, kiểm tra sức khỏe, đánh giá toàn diện theo quy định nhằm xác định có thể điều trị bằng methadone được không và dự tính liều khởi đầu là bao nhiêu. Chương trình cũng sẽ tư vấn cá nhân, tư vấn gia đình và tư vấn nhóm về chương trình methadone.

Trong quá trình điều trị bằng methadone, bệnh nhân sẽ được theo dõi, kiểm tra định kỳ, được điều chỉnh liều dùng, tần suất uống methadone.

Đối với rất nhiều người, để không còn sử dụng heroin đòi hỏi một quá trình lâu dài và duy trì điều trị methadone càng lâu thì càng giúp người nghiện giảm nguy cơ sử dụng ma túy bất hợp pháp. Điều trị bằng thuốc methadone có thể điều trị an toàn trong nhiều năm.

Một điều quan trọng là trong suốt giai đoạn điều trị, bệnh nhân  methadone không được sử dụng heroin như trước khi điều trị, không sử dụng các chất gây nghiện khác, vì nó có thể gây ra tình trạng quá liều hoặc gây nguy hiểm cho tính mạng của bệnh nhân.  

Danh sách 17 cơ sở điều trị Methadone trên địa bàn Hà Nội:

1/ Cơ sở điều trị Nam Từ Liêm:

Địa chỉ: Trung tâm y tế quận Nam Từ Liêm, Khu Liên cơ Quận Nam Từ Liêm.

2/ Cơ sở điều trị Long Biên:

Địa chỉ: Trung tâm y tế quận Long Biên, Lô HH03, phường Giang Biên, Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên.

3/ Cơ sở điều trị Sơn Tây:

Địa chỉ: Số 1 Lê Lợi, thị xã Sơn Tây.

4/ Cơ sở điều trị Hà Đông:

Địa chỉ: Tổ 10, Phú Lương, quận Hà Đông.

5/ Cơ sở điều trị Hai Bà Trưng:

Địa chỉ: Ngõ 92 Lương Yên, quận Hai Bà Trưng.

6/ Cơ sở điều trị Đống Đa:

Địa chỉ: Số 9, Ngõ 107 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa.

7/ Cơ sở điều trị Ba Vì:

Địa chỉ: Trung tâm y tế huyn Ba Vì, Xã Đng Thái, huyn Ba Vì.

 

8/ Cơ sở điều trị Đông Anh:

Địa chỉ: Phòng khám đa khoa khu vực I, xã Kim Chung, huyn Đông Anh.

9/ Cơ sở điều trị Chương M:

Địa chỉ: Phòng khám đk Xuân Mai, thị trấn Xuân Mai, huyn Chương M.

10/ Cơ sở điều trị Ứng Hòa:

Địa chỉ: TTYT huyn ng Hòa, S 3, thôn Thanh m, th trn Vân Đình, huyện ng Hòa.

11/ Cơ sở điều trị Hoàng Mai:

Địa chỉ: Phòng khám đa khoa Linh Đàm, phưng Đi Kim, quận Hoàng Mai.

12/ Cơ sở điều trị Tây H:

Địa chỉ: Trạm Y tế phưng Qung An, ngõ 31, Xuân Diu, quận Tây H.

13/ Cơ sở điều trị Đan Phưng:

Địa chỉ: Trm Y tế xã Tân Lp, xã Tân lp, Huyn Đan Phưng.

14/ Cơ sở điều trị Phú Xuyên:

Địa chỉ: TTYT huyn Phú Xuyên, Tiểu khu Thao Chính, huyn Phú Xuyên.

15/ Phòng Khám chuyên khoa HIV và điều trị nghiện chất thuộc TTYT Dự phòng HN:

Địa chỉ: Khu hành chính mi Qun Hà Đông, Đưng Tô Hiu (kéo dài) Phưng Hà Cu, quận Hà Đông.

16/ Cơ sở cai nghiện ma túy số 5:

Địa chỉ: Phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm.

17. Cơ sở cai nghiện ma túy số 7

          Địa chỉ: Xuân Khanh, Xuân Sơn, Sơn Tây, HN

 

Bài 4: PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA CHÍNH QUYỀN VÀ CÁC BAN, NGÀNH, ĐOÀN THỂ ĐỊA PHƯƠNG TRONG PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS

 

       Ngay từ khi HIV mới xuất hiện, nhận thức được tính chất xã hội cũng như sự hiểm họa của dịch HIV/AIDS, Đảng ta đã chỉ ra rằng phòng chống HIV/AIDS là một công việc của toàn dân, của mọi ngành, mọi cấp và đặt dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng. Chỉ thị 54/CT-TW của Ban Bí thư đã khẳng định “Các cấp ủy đảng và các cấp chính quyền cần xác định rõ phòng chống HIV/AIDS là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài”.

Trách nhiệm lãnh đạo và thực hiện được nêu ra rất cụ thể trên các mặt công tác sau:

- Một là, thường xuyên theo dõi, phân tích, đánh giá tình hình lây nhiễm HIV/AIDS trong ngành và địa phương.

- Hai là, có kế hoạch thực hiện các giải pháp cần thiết nhằm phòng, chống HIV/AIDS gắn với phòng, chống các tệ nạn ma túy, mại dâm và với các chương trình phát triển kinh tế- xã hội. Các đơn vị, địa phương trên cả nước đưa hoạt động phòng chống HIV/AIDS trở thành một trong những mục tiêu ưu tiên của chương trình phát triển kinh tế- xã hội tại các đơn vị và các địa phương.

- Ba là, lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Hướng dẫn thực hiện Chỉ thị Ban Bí thư về “ tăng cường sự lãnh đạo công tác phòng chống HIV.AIDS trong tình hình mới”, Ban Tuyên giáo Trung ương  đã nhấn mạnh: Các cấp ủy đảng và chính quyền ”phải nhận thức rõ trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện và kiểm tra, giám sát các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và từng đảng viên đối với công tác phòng chống HIV/AIDS“.

Đảng ta cũng chỉ rõ sự cần thiết phải tổ chức việc phối hợp đa ngành, liên ngành trong phòng chống HIV/AIDS. Phải huy động được sự tham gia của mọi cấp, mọi ngành, mọi tổ chức, đoàn thể trong xã hội và mọi thành viên cộng đồng vào công cuộc phòng chống HIV/AIDS. Sự phối hợp liên ngành không chỉ thể hiện ở cấp quốc gia mà phải ở các cấp tỉnh, huyện, phường/xã. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức trong hệ thống chính trị phải được tổ chức, điều phối chặt chẽ, mang lai hiệu quả thiết thực, không được chồng chéo. Các cấp ủy đảng cần nhận thức đầy đủ trách nhiệm lãnh đạo việc phối hợp giữa các ban ngành cùng cấp trong phòng chống HIV/AIDS, tránh tình trạng khoán trắng cho chính quyền đặc biệt là các cơ quan y tế thực hiện những nhiệm vụ phòng chống HIV/AIDS.

Trong Điều 3 của Luật Phòng chống HIV/AIDS nêu rõ một trong những nguyên tắc phòng, chống HIV/AIDS là “Thực hiện việc phối hợp liên ngành và huy động xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS; lồng ghép các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Kết hợp chặt chẽ phòng, chống HIV/AIDS với phòng, chống ma tuý, mại dâm, chú trọng triển khai các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV. Không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và thành viên gia đình họ; tạo điều kiện để người nhiễm HIV và thành viên gia đình họ tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt là các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS”.

Huy động những người nhiễm HIV và gia đình họ trực tiếp tham gia vào công tác phòng chống HIV là một trong những nội dung chỉ đạo của các cấp ủy đảng. Hiện nay ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, số lượng người nhiễm HIV/AIDS ngày càng tăng, có mặt ở hầu khắp mọi nơi, phần đông là người trẻ, đang ở độ tuổi lao động; tuy mang trong mình một loại virut gây bệnh nguy hiểm nhưng vẫn có thể sống trong một thời gian dài nếu được điều trị bằng thuốc ARV. Sau khi bị nhiễm HIV, trong quá trình sống, họ tích lũy được nhiều kinh nghiệm để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống hằng ngày. Do hoàn cảnh dẫn đến lây bệnh khác nhau nên những người nhiễm HIV/AIDS sẽ có những mức độ khác nhau trong suy nghĩ, thái độ, hành vi khi tham gia phong trào phòng chống HIV/AIDS. Khi người nhiễm tham gia phong trào phòng chống HIV/AIDS thì họ dễ dàng chia sẻ kinh nghiệm với nhau để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, trong phòng và chữa bệnh. Việc gia đình người nhiễm tham gia phòng chống HIV/AIDS sẽ làm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử ngay từ gia đình với bản thân người nhiễm, làm giảm gánh nặng xã hội đối với vấn đề HIV/AIDS về nhiều mặt.

Chủ trương xã hội hóa trong phòng chống HIV/AIDS chính là nhằm huy động sự tham gia và phát huy, khẳng định, vai trò của nguười nhiễm HIV/AIDS, người thân trong hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Đây là một hoạt động mang tính nhân văn, vừa thể hiện truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, trách nhiệm của các cấp ủy đảng và chính quyền trong việc hỗ trợ và giúp đỡ những người nhiễm HIV/AIDS, vừa là biện pháp góp phần vào việc xây dựng xã hội không có kỳ thị phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ. Đây cũng là một biện pháp góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội trong hoạt động phòng chống HIV/AIDS.

Việc lồng ghép nội dung phòng, chống HIV/AIDS trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội cũng được quy định rõ tại Điều 23- Luật Phòng chống HIV/AIDS: “Phòng, chống HIV/AIDS là một trong những mục tiêu ưu tiên của các chương trình phát triển kinh tế - xã hội”. “Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương lồng ghép nội dung phòng, chống HIV/AIDS trong các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, chương trình phòng, chống lao, chương trình sức khỏe sinh sản, phòng, chống các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác”.

Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS cho nhân dân trên địa bàn địa phương. Về công tác phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư, Luật Phòng chống HIV/AIDS cũng quy định rõ: Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có các trách nhiệm sau:

Một là, tổ chức các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư, giáo dục sự thương yêu, đùm bọc đối với người nhiễm HIV, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, họ tộc, quê hương, bản sắc văn hoá dân tộc của người Việt Nam;

Hai là, tổ chức chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV và gia đình họ, tạo điều kiện cho người nhiễm HIV sống hòa nhập với cộng đồng và xã hội;

Ba là, phát huy vai trò của các tổ trưởng dân phố, trưởng cụm dân cư, trưởng thôn, già làng, trưởng bản, trưởng làng, trưởng ấp, trưởng phum, trưởng sóc, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng các dòng họ, trưởng tộc, các chức sắc tôn giáo, người cao tuổi, người có uy tín trong cộng đồng trong việc vận động nhân dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS;

Bốn là, xây dựng và phát triển mô hình gia đình văn hóa, tổ dân phố, cụm dân cư, thôn, làng, ấp, bản, phum, sóc gắn với việc phòng, chống HIV/AIDS;

Năm là, tuyên truyền chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và thành viên gia đình họ.

Tổ dân phố, cụm dân cư, thôn, làng, ấp, bản, phum, sóc có các trách nhiệm: Tuyên truyền, vận động và giáo dục các gia đình trên địa bàn tham gia và thực hiện các quy định về phòng, chống HIV/AIDS; Lồng ghép hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vào phong trào quần chúng, hoạt động thể thao, văn hoá, văn nghệ tại cộng đồng và các hoạt động xã hội khác; Đấu tranh chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và thành viên gia đình họ.

Bài 5: TÁC HẠI CỦA SỰ KỲ THỊ VÀ PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ

LIÊN QUAN ĐẾN HIV/AIDS

 Dịch HIV/AIDS vẫn tiếp tục lây lan trên đất nước ta với một số xu hướng thay đổi, đáng lưu ý như tỷ lệ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục đã vượt qua tỷ lệ lây nhiễm HIV qua đường máu, sự gia tăng số người nhiễm HIV vốn được coi là những người ít có nguy cơ như phụ nữ mang thai… Một bộ phận dân cư vẫn chưa thực sự có nhận thức đúng đắn về HIV/AIDS. Hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trong một số nhóm người như tiêm chích ma túy, phụ nữ bán dâm vẫn còn ở mức độ cao… Điều đó có nghĩa là, mặc dù chúng ta đã làm giảm được tốc độ lây lan của HIV, nhưng dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến khó lường và tiềm ẩn các yếu tố có thể gây bùng nổ dịch nếu chúng ta không có những biện pháp ứng phó toàn diện và quyết liệt hơn. Kiểm soát sự lây nhiễm HIV trong cộng đồng vẫn tiếp tục là một trong những mục tiêu ưu tiên của Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Tuy nhiên hiện nay công tác phòng, chống HIV/AIDS còn đang gặp phải nhiều rào cản, đặc biệt là vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS.

Theo Điều 2 của Luật phòng, chống vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS):

          - Kỳ thị người nhiễm HIV là thái độ khinh thường hay thiếu tôn trọng người khác vì biết hoặc nghi ngờ người đó nhiễm HIV hoặc vì người đó có quan hệ gần gũi với người nhiễm HIV hoặc bị nghi ngờ nhiễm HIV.

          - Phân biệt đối xử với người nhiễm HIV là hành vi xa lánh, từ chối, tách biệt, ngược đãi, phỉ báng, có thành kiến hoặc hạn chế quyền của người khác vì biết hoặc nghi ngờ người đó nhiễm HIV hoặc vì người đó có quan hệ gần gũi với người nhiễm HIV hoặc bị nghi ngờ nhiễm HIV.

Kỳ thị và phân biệt đối xử có thể biểu hiện công khai hoặc ngấm ngầm, thô bạo hoặc tế nhị, ở nhiều hoàn cảnh khác nhau, dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau.

          Ở nhiều nơi trên thế giới cũng như ở nước ta hiện nay, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV vẫn còn xảy ra ở mọi nơi: tại gia đình và cộng đồng, ở trường học, xí nghiệp, cơ quan, công sở.

* Những hành vi kỳ thị tại gia đình biểu hiện như sau:

- Cho người nhiễm HIV ăn, ở riêng hoặc nếu ở chung thì miễn cưỡng giao tiếp với người nhiễm HIV (có thể lảng tránh, không bắt tay, không muốn nói chuyện...) hoặc hạn chế, cấm đoán người khác trong gia đình tiếp xúc với người nhiễm HIV;

          - Không muốn hoặc cấm người nhiễm HIV dùng chung các vật dụng sinh họat hoặc sử dụng chung nhà vệ sinh;

          - Chối bỏ người nhiễm HIV (không nhận), không cho ở nhà, tìm cách đưa người nhiễm HIV vào các cơ sở tập trung;

          - Tước quyền làm cha, làm mẹ, làm chồng, làm vợ của người nhiễm HIV; bị tước quyền sử dụng hoặc thừa kế tài sản, nhất là đối với phụ nữ nhiễm HIV...

* Những hành vi kỳ thị với HIV/AIDS tại cộng đồng là:

- Cấm hoặc hạn chế con cái, người thân, họ hàng tiếp xúc với người nhiễm HIV.

          - Không muốn hoặc cấm người nhiễm HIV dùng chung các vật dụng sinh họat hoặc sử dụng chung nhà vệ sinh công cộng, nhà ăn tập thể...

          - Cấm hoặc hạn chế người nhiễm HIV tham gia các hoạt động tại nơi công cộng, vui chơi giải trí và thể thao.

          - Không sử dụng các dịch vụ mà người nhiễm HIV hoặc gia đình họ cung cấp, nhất là dịch vụ ăn uống.

          - Không muốn, không cho tổ chức tang lễ bình thường hoặc không đến dự tang lễ của người nhiễm HIV…

* Biểu hiện của sự kỳ thị với HIV/AIDS tại nơi làm việc, học tập:

  - Xa lánh, ngại tiếp xúc, không muốn làm việc, học tập cùng người nhiễm HIV.

          - Lấy máu xét nghiệm HIV khi tuyển dụng hoặc trong quá trình lao động, học tập (nhưng không nói là để xét nghiệm HIV).

          - Tuỳ tiện thay đổi công việc của người lao động bị nhiễm HIV.

          - Thuyết phục, gây sức ép, tạo cớ… để người nhiễm HIV xin nghỉ việc hay học sinh, sinh viên nghỉ học, thôi học.

          - Bắt buộc thôi việc, thôi học với lý do không chính đáng...

Sự kỳ thị và phân biệt đối xử tiếp tục là nguyên nhân hạn chế những người có hành vi nguy cơ cao cũng như những người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị nhiễm HIV/AIDS cũng như là những rào cản đối với việc thực hiện đầy đủ các quyền của người nhiễm HIV/AIDS, bao gồm quyền học hành, lao động ... đã được pháp luật các quốc gia quy định.

*Ảnh hưởng của kỳ thị và phân biệt đối xử tới chính người kỳ thị: Dẫn đến tâm lý luôn bực tức; Phán đoán thiếu bình tĩnh, thiếu khách quan; Xử lý tình huống thiếu tỉnh táo; Ảnh hưởng tới nhân cách; Ảnh hưởng tới sức khỏe; Ảnh hưởng tới mối các quan hệ xã hội; Bị động trong việc phòng lây lan bện, làm cho HIV âm thầm lây lan trong cộng đồng và cho chính bản thân người kỳ thị.

*Ảnh hưởng của kỳ thị và phân biệt đối xử tới người bị kỳ thị: Làm cho người bị kỳ thị tự ti, không còn tự tin vào bản thân; Mất niềm tin vào chính bản thân và những người xung quanh; Không dám bộc lộ thông tin, tình trạng của bản thân, khiến cho dịch âm thầm lây lan trong cộng đồng; Không dám tiếp cận với các dịch vụ; Không được tiếp cận tới các dịch vụ; Không được hỗ trợ, chia xẻ, vì vậy ảnh hưởng không tốt sức khỏe ,đến quá trình điều trị, diễn tiến bệnh; Ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ cá nhân.

*Tác hại của sự kỳ thị và PBĐX đối với công cuộc phòng, chống HIV/AIDS:

  • KT&PBĐX làm gia tăng tốc độ lan nhiễm HIV ra cộng đồng:

+ Vì lo bị phân biệt đối xử nên người có hành vi nguy cơ nhiễm HIV không dám XN, khiến cho HIV tự do lan truyền cho người thân và cộng đồng;

+ Người bị nhiễm HIV giấu giếm tình trạng bệnh tật, làm lan truyền HIV cho người khác.

  • KT&PBĐX làm cho việc tiếp cận, tư vấn, chăm sóc, điều trị và dự báo về HIV/AIDS khó khăn:

+ Do người nhiễm sợ bị kỳ thị nên thường trốn tránh, không tự bộc lộ nên vì vậy khó tiếp cận để tư vấn, điều trị…

+ Không nắm được hết số người nhiễm nên không thể dự báo chính xác tình hình lan nhiễm HIV,vì vậy không thể hoạch định được chính sách phòng chống HIV/AIDS  phù hợp.

  • Tác hại của sự kỳ thị và PBĐX đối với xã hội:
  • KT&PBĐX làm phá vỡ các mối quan hệ truyền thống giữa cá nhân, gia đình và cộng đồng:

+ Mối quan hệ ngay trong gia đình giữa cha mẹ ,con cái…

+ Mối quan hệ họ hàng,láng giềng….;

+ Mối quan hệ đồng nghiệp, bạn bè…;

+ Mối quan hệ tình yêu, hôn nhân ….;

+ Các chuẩn mực xã hội khác về quan hệ

  • KT&PBĐX làm hạn chế một số quyền cơ bản của công dân:

+ Quyền được chăm sóc sức khoẻ…;

+ Quyền được làm việc, học hành…

+ Quyền được sống trong tình thương yêu, đùm bọc của gia đình và xã hội…;

 

Bài 6: QUYỀN ĐƯỢC ĐẾN TRƯỜNG HỌC CỦA TRẺ BỊ ẢNH HƯỞNG

 BỞI HIV/AIDS

Những năm gần đây, tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV có phần giảm bớt. Tuy vậy, tình trạng này vẫn còn là vấn đề nan giải và là rào cản trong việc thực hiện phòng chống HIV/AIDS ở nước ta. Phụ nữ và trẻ em là những nhóm bị tác động và chịu ảnh hưởng nhiều nhất của sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS. Chịu thiệt thòi hơn cả là trẻ em - nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và không đủ sức khỏe để đương đầu với căn bệnh HIV, cũng như không đủ tiếng nói để bảo vệ những quyền mà mình xứng đáng được hưởng.

Trẻ bị nhiễm HIV ngoài việc bị hạn chế quyền được đến những nơi công cộng, sử dụng các dịch vụ công cộng, thì việc đến trường học cũng là vấn đề hết sức khó khăn. Biểu hiện của sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS tại trường học là: phụ huynh tạo sức ép không cho trẻ nhiễm HIV được tiếp tục đến trường học; nhà trường tạo lý do để gia đình phải cho trẻ nhiễm HIV thôi học; còn nếu có được đến trường thì phải ngồi riêng bàn học, không có bạn chơi cùng, bị cô lập.  

Năm 1989, Liên hợp quốc thông qua Công ước về Quyền trẻ em gồm 54 điều về các quyền cơ bản của con người mà trẻ em trên toàn thế giới đều được hưởng. Công ước đã được hầu hết các nước trên thế giới phê chuẩn. Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em.

Bốn nhóm quyền cơ bản được quy định trong Công ước bao gồm:

                   + Quyền được sống còn                         

+ Quyền được bảo vệ

                   + Quyền được phát triển                        

+ Quyền được tham gia

Công ước quốc tế quy định trẻ em là những người dưới 18 tuổi. Tất cả các quyền và nghĩa vụ được nêu trong Công ước đều được áp dụng bình đẳng cho mọi trẻ em mà không có sự phân biệt đối xử. Mọi hoạt động được thực hiện đều vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em.

Việc thực hiện Quyền trẻ em là một quá trình phối hợp nhiều hoạt động can thiệp hỗ trợ và tất cả mọi người kể cả trẻ em đều có trách nhiệm giúp Nhà nước thực hiện và theo dõi quá trình thực hiện Công ước.

Như vậy, yêu cầu xét nghiệm HIV hoặc yêu cầu xuất trình kết quả xét nghiệm HIV là vi phạm quyền của trẻ em: Nhiều người cho rằng cần xét nghiệm HIV cho trẻ đề phòng lây nhiễm HIV. Việc này là không cần thiết và vi phạm quyền trẻ em. HIV không lây qua tiếp xúc thông thường với trẻ em nhiễm HIV. Luật phòng, chống HIV/AIDS quy định cấm bắt buộc xét nghiệm HIV (điều 8, khoản 7) và cơ sở giáo dục không được  yêu cầu xét nghiệm HIV hoặc yêu cầu xuất trình kết quả xét nghiệm HIV đối với học sinh, sinh viên hoặc người đến xin học ( Điều 15, khoản 2).

Xét nghiệm HIV cho trẻ để có kế hoạch điều trị và dự phòng các nhiễm trùng cơ hội là cần thiết khi có hướng dẫn ngành y tế. Tuy nhiên, nhà trường, giáo viên không được yêu cầu trẻ xét nghiệm HIV hoặc yêu cầu xuất trình kết quả xét nghiệm HIV.

Trẻ em cần được giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, HIV và kỹ năng sống: Nhiều người lớn chưa có kiến thức, thái độ, hành vi đúng về HIV, về tình dục an toàn, về kỳ thị, phân biệt đối sử với người nhiễm hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV và AIDS… bởi họ không được học về điều này từ nhà trường, gia đình và cộng đồng. Giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, HIV và kỹ năng sống là hết sức cần thiết cho mọi trẻ em, giúp trẻ hiểu biết về các mối quan hệ về giới, sức khỏe sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục, giúp trẻ ứng phó với các vấn đề có thể gặp trong tương lai. Giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, HIV và kỹ năng sống cho thế hệ trẻ sẽ giúp các em có thái độ và kỹ năng phù hợp khi trưởng thành, giúp các em có quyết định chọn lựa an toàn và có lợi cho sức khỏe.

Trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS cần được chăm sóc giống như những trẻ em khác:

Quan tâm và chăm sóc đặc biệt hơn cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS sẽ làm cho các em trở thành trung tâm của sự chú ý và trong nhiều trường hợp làm tăng thêm sự kỳ thị.

Mọi trẻ em đều có các nhu cầu cơ bản sau:

  1. Nhu cầu về thể chất: dinh dưỡng đầy đủ, chỗ ở, quần áo, chăm sóc sức khỏe bởi các dịch vụ y tế đạt chuẩn, vui chơi, chăm sóc, nghỉ ngơi, phát triển trí tuệ.
  2. Nhu cầu về tình cảm, tinh thần: yêu thương, hiểu biết, lắng nghe, học cách ứng phó với căng thẳng, bày tỏ cảm xúc, niềm tin, giá trị cuộc sống, có cơ hội được tham dự các hoạt động văn hóa, tinh thần.
  3. Nhu cầu về xã hội: được xã hội hoặc bạn bè thừa nhận, có các mối quan hệ mở rộng, có cơ hội được bày tỏ hoặc chia sẻ ý kiến trong các hoạt động xã hội, được giáo dục;

          Cộng đồng đóng vai trò quan trọng giúp giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS: Cộng đồng có vai trò quan trọng trong việc giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Để giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS  có cơ hội tiếp tục học tập, hòa nhập và có tương lai tốt đẹp hơn, cha mẹ học sinh và cộng đồng cần:

+ Một là, Hiểu chính xác và đầy đủ về HIV, biết phòng tránh lây nhiễm HIV đúng cách, điều đó quan trọng hơn là nhận biết ai là  người nhiễm HIV.

+ Hai là, không gây áp lực với nhà trường để ngăn cản trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được cùng học với các trẻ em khác.

+ Ba là, Phối hợp với nhà trường để tuyên truyền giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

+ Bốn là, Đấu tranh với các biểu hiện, quan niệm sai lầm về HIV/AIDS và thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS.

+ Năm là, Không đổ lỗi , buộc tội trẻ em về các hành vi của cha mẹ hay của người thân của các em. Trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị ảnh hưởng bởi các HIV/AIDS không phải chịu trách nhiệm cho bất kỳ hành vi nào của cha mẹ hay người thân.

+ Sáu là, Tôn trọng và bảo mật thông tin của người nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

+ Bảy là, Tham gia, tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng.

Trong Luật phòng, chống HIV/AIDS, Điều 15 (Phòng, chống HIV/AIDS trong cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân) quy định: Cơ sở giáo dục có trách nhiệm tổ chức giảng dạy cho học sinh, sinh viên, học viên về phòng, chống HIV/AIDS, lồng ghép với giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản và thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS khác trong cơ sở đó.  Cơ sở giáo dục không được từ chối tiếp nhận học sinh, sinh viên, học viên vì lý do người đó nhiễm HIV; Không đươc kỷ luật, đuổi học học sinh, sinh viên, học viên vì lý do người đó nhiễm HIV; Không được tách biệt, hạn chế, cấm đoán học sinh, sinh viên, học viên tham gia các hoạt động, dịch vụ của cơ sở vì lý do người đó nhiễm HIV; Không được yêu cầu xét nghiêm HIV hoặc yêu cầu xuất trình kết quả xét nghiệm HIV đối với học sinh, sinh viên, học viên hoặc người đến xin học./.