TIN TỨC HOẠT ĐỘNG
UBND XÃ PHƯƠNG ĐÌNH THÔN CỔ NGÕA
| CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cổ Ngõa, ngày 24 tháng 10 năm 2024
|
BÁO CÁO THÀNH TÍCH
Đề nghị xét tặng danh hiệu “Làng văn hóa” Cổ Ngoã năm 2024
Kính gửi: Ủy ban nhân dân xã Phương Đình,
Căn cứ Luật Thi đua, khen thưởng ngày 15 tháng 6 năm 2022;
Căn cứ Nghị định số 86/2023/NĐ-CP ngày 07/12/2023 của Chính phủ quy định về khung tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”;
Căn cứ văn bản số 169/VHCS-NSVH ngày 12/3/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 86/2024/NĐ-CP của Chính phủ;
Căn cứ Hướng dẫn số 4401/SVHTT - NSVH ngày 15/10/2024 của Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội hướng dẫn việc bình xét, công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn, Tổ dân phố văn hóa”; “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024;
Thôn Cổ Ngoã báo cáo những thành tích đã đạt được trong năm 2024, cụ thể như sau:
I. SƠ LƯỢC ĐẶC ĐIỂM, TÌNH HÌNH
Làng Cổ Ngõa thuộc xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Làng nằm ở phía Đông Bắc xã, phía Tây giáp thôn Địch Trung, phía Nam giáp thôn Cổ Thượng và xã Đan Phượng, phía Đông giáp thôn Cổ Hạ và xã Thượng Mỗ, Phía Bắc giáp thôn Địch Đình. Nhân dân trong Làng sống chủ yếu bằng công việc sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, các loại hình dịch vụ, một số ngành nghề mới cũng đang được phát triển. Làng Cổ Ngõa có 22,6 ha đất tự nhiên, trong đó có 4,3 ha đất thổ cư và 18,3 ha diện tích đất canh tác, có 198 hộ và 871 nhân khẩu; Trên 90% đường làng được bê tông hóa, hệ thống cống rãnh thoát nước dân sinh đảm bảo vệ sinh không gây ô nhiễm môi trường trên 90% đường nội đồng, đường dân sinh đã được cứng hóa.
Nhân dân làng Cổ Ngõa từ xa xưa đến nay luôn có lòng yêu quê hương, đất nước, phát huy tinh thần đoàn kết, đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm. Hòa bình lập lại nhân dân làng Cổ Ngõa phát huy tính cần cù, chịu khó, năng động sáng tạo trong lao động sản xuất, đoàn kết một lòng phát triển kinh tế gia đình, xây dựng làng xóm ngày càng giàu đẹp, văn minh và tiến bộ.
II. THÀNH TÍCH ĐẠT ĐƯỢC
1. Đời sống kinh tế ổn định và phát triển
Năm 2024 thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương nhất là thực hiện Nghị quyết lần thứ XXVII của Đảng bộ xã Phương Đình, nhân dân đã nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xong nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền cơ sở, chi bộ, Ban công tác MT, BCH thôn và sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của mọi tầng lớp nhân dân đã từng bước vượt qua mọi khó khăn, thử thách như: Công tác phòng chống dịch bệnh luôn được chú trọng, đẩy mạnh chuyển đổi các ngành nghề mới, tìm hướng phát triển các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phù hợp để duy trì và phát triển kinh tế nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần của nhân dân. Có được kết quả như ngày hôm nay là do có sự chỉ đạo đúng đắn, sát xao chặt chẽ của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể nhân dân trong làng.
Về trồng trọt: Trong những năm qua sản xuất nông nghiệp ở thôn có nhiều thuận lợi cơ bản nhưng cũng gặp không ít những khó khăn do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, thời tiết biến đổi cực đoan, hạn hán, mưa úng xảy ra bất thường. Vượt qua những khó khăn khách quan, chủ quan, nông dân làng Cổ Ngõa đã không ngừng phát huy tính cần cù, sáng tạo, chú trọng dành thời gian học hỏi, đầu tư nhiều tiền của, công sức, mạnh dạn thay đổi thói quen canh tác lạc hậu trong sản xuất nông nghiệp. Liên tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ cây trồng truyền thống sang các loại cây hàng hóa có giá trị kinh tế cao, thay đổi các loại vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, đa dạng hoá sản phẩm nông nghiệp, gắn sản xuất với việc tiêu thụ hàng hóa. Tổng diện tích đất gieo trồng hàng năm trong thôn: 18,3ha. Năm 2024, diện tích trồng lúa: 11,6 ha năng suất đạt 128 tạ/ha/năm.
Diện tích đỗ tương: 1,1ha, năng suất đạt 50 tạ/ha/năm. Diện tích trồng rau màu các loại: 5,6ha, năng suất quy lúa đạt 66,5 tạ/ha/năm.
Chăn nuôi: Trong năm qua mặc dù do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, giá cả thị trường không ổn định, dịch bệnh thường xảy ra xong nhân dân trong làng vẫn đoàn kết cùng nhau khắc phục những khó khăn để duy trì và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tính đến thời điểm hiện tại: Thôn có đàn lợn có: 1.079 con, trong đó lợn nái: 165 con, 2 con lợn đực giống; Đàn gia cầm: 2.642 con, trong đó gà đẻ 2.200 con, gà thương phẩm: 642 con. Một số hộ gia đình đã mạnh dạn phát triển chăn nuôi với quy mô vừa và nhỏ ra xa khu dân cư, có hộ đã nuôi từ 100 - 200 con lợn thịt; điển hình là các hộ: ông Nguyễn Ngọc Ánh ở Trại trên, ông Nguyễn Văn Vĩnh ở Trại dưới. Bên cạnh đó còn có Ban chăn nuôi thú y xã kết hợp với BCH thôn luôn quan tâm tích cực, kịp thời làm công tác tiêm phòng, phun phòng khử trùng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.
Trong năm qua số hộ gia đình có mức sống khá đạt 82%, không có hộ nghèo, 100% hộ gia đình thuộc diện chính sách có mức sống khá trở lên.
Nhờ có sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ủy, sự quan tâm kịp thời của các cấp, các ngành cho nên kinh tế làng Cổ Ngõa ngày càng được phát triển, thu nhập bình quân các năm đều tăng từ một cơ cấu kinh tế phù hợp với khả năng và phát huy được các thế mạnh truyền thống của địa phương. Cùng với các ngành nghề truyền thống, một số hộ mạnh dạn chuyển đổi từ làm nông nghiệp sang sản xuất tiểu thủ công nghiệp bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với làm nông nghiệp.
Điển hình như: Công ty TNHH Thắng Hồng chuyên sản xuất các loại đồ kim khí, hàng năm thu hút gần 20 nhân công với mức thu nhập ổn định như hộ anh Đỗ Văn Quế, ông Đỗ Văn Trưởng, ông Đỗ Văn Hợp, ông Nguyễn Văn Nghị, ông Nguyễn Văn Trọng cũng từng bước mở rộng nhà xưởng, kể cả đầu tư các loại máy móc hiện đại để sản xuất các loại sản phẩm cao cấp như phụ tùng, linh kiện, các chi tiết máy ... đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình và đem lại công việc ổn định cho một số lao động nhàn rỗi ở địa phương. Bên cạnh những ngành nghề ở trên, một số người lại lựa chọn bằng cách thành lập các tổ thợ xây, hàng năm đi nhận xây dựng các công trình về nhà ở, cầu cống, đường giao thông trong vùng cũng góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động trong làng có thu nhập ổn định. Điển hình như đội của ông Bùi Văn Hoà, ông Nguyễn Văn Tiệp, ông Nguyễn Văn Vĩnh trại dưới; của ông Vương Văn Trung, ông Vương Văn Tỏ, Ông Vương Văn Quyết trại trên.
Cũng như những năm trước đây, xuất khẩu lao động cũng đã trở thành một nghề tương đối quen thuộc đối với nhân dân làng Cổ Ngoã. Hàng năm có từ 15 - 20 hộ đầu tư cho con em đi lao động ở nước ngoài cũng đã đem lại nguồn tài chính gấp nhiều lần so với lao động ở tại địa phương. Cũng bởi vậy mà hiện nay 100% số hộ đã có nhà xây mái ngói và kiên cố; năm qua có 10 hộ xây được nhà kiên cố, nhà cao tầng góp phần tô điểm thêm cho bức tranh kinh tế làng quê và cũng là kết quả thiết thực minh chứng cho những nỗ lực không ngừng của nhân dân trong làng.
Năm 2024 nhân dân làng Cổ Ngõa đã đi trước một bước về xây dựng nông thôn mới, hệ thống các công trình đường giao thông nông thôn với phương châm xã hội hóa, nhân dân tự nguyện đóng góp kinh phí để xây dựng được trên 800m đường làng, ngõ xóm bê tông hóa. Đến nay đường làng Cổ Ngõa đã bê tông hóa được trên 90% có rãnh thoát nước đảm bảo không ô nhiễm môi trường với tổng kinh phí xây dựng trên 3 tỷ đồng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhân dân tự nguyện đóng góp tiền của và ngày công trước để xây dựng; 100% hộ dân có điện thắp sáng, được dùng và sử dụng nước sạch hợp vệ sinh.
2. Đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh, phong phú
Trong năm qua kinh tế của nhân dân đã khá ổn định, an ninh chính trị được giữ vững, đời sống văn hóa tinh thần được nâng lên rõ rệt. Công tác tổ chức đăng ký, bình xét danh hiệu văn hóa được tổ chức công khai đảm bảo đúng quy trình, khách quan, dân chủ. Năm 2024 có 196/209 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” chiếm 93,8%/ tổng số hộ trong thôn. 100% hộ dân trong làng đều có đủ các phương tiện nghe nhìn, bình quân mỗi hộ đều có từ 1 - 2 máy thu hình và nhiều điện thoại di động, điện thoại cố định; máy tính kết nối Internet; một số gia đình đã mua được những tài sản có giá trị cao như: Các loại xe gắn máy hạng sang, ô tô phục vụ việc giao dịch làm ăn, giải quyết nhu cầu cuộc sống và đi lại của người dân trong khu vực; an sinh xã hội được đảm bảo.
Hoạt động của nhà văn hóa thôn thường xuyên được các câu lạc bộ, các tổ chức đoàn thể tổ chức sinh hoạt và tập luyện văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tham gia các cuộc thi, hội thi do các cấp xã, huyện, thành phố tổ chức và đã giành được nhiều giải thưởng từ các cuộc thi.
Câu lạc bộ văn hóa văn nghệ cùng với các đoàn thể trong thôn, tổ chức từ 1 đến 2 buổi giao lưu văn hóa văn nghệ mừng các ngày lễ lớn của dân tộc, ngày hội truyền thống của làng, được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng. Bình quân mỗi đêm biểu diễn được nhân dân ủng hộ từ 8-10 triệu đồng để CLB chi phí và gây quỹ. Hệ thống truyền thanh của thôn luôn cập nhật và truyền tải thông tin kịp thời đến nhân dân. Phong trào thể dục - thể thao như: Đi bộ buổi sáng, bóng đá của đoàn thanh niên, thể dục dưỡng sinh của các cụ người cao tuổi; cầu lông, tập luyện thể dục thể thao với các dụng cụ thể thao ngoài trời tại sân nhà văn hóa được đông đảo các tầng lớp nhân dân hào hứng tham gia.
Nhân dân làng Cổ Ngõa luôn giữ tinh thần đoàn kết, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Tương thân tương ái”, nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” nhân đạo, từ thiện được khơi dậy phát huy, đã có nhiều hoạt động cụ thể, việc làm cụ thể trong công tác “ Đền ơn đáp nghĩa” nhân đạo từ thiện ở thôn như: Tổ chức trao quà cho các cháu nhỏ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, người già có hoàn cảnh khó khăn ... Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày thương binh liệt sỹ, nhiều hoạt động của các đoàn thể diễn ra sôi nổi như: Thăm viếng Nghĩa trang liệt sỹ của xã, nhà bia tưởng niệm của huyện, các đoàn thể trong thôn vận động nhân dân ủng hộ các loại quỹ do cấp trên phát động với số tiền mặt được trên 32 triệu đồng.
Thực hiện tốt “Quy ước làng văn hóa” nhân dân trong thôn bám sát nội dung, chấp hành và thực hiện nghiêm túc những điều đã soạn thảo trong Quy ước. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong thôn tham gia thực hiện tốt Chỉ thị 22 của Huyện ủy, Nghị quyết 40 của Đảng uỷ “Về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ, ứng xử văn hóa”. Cùng với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”, “ Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”; các gia đình có việc cưới, việc tang, mừng thọ, về nhà mới được tổ chức trang trọng, tiết kiệm. Lễ hội làng được tổ chức đảm bảo trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm và đúng quy định của Pháp luật hiện hành. Năm 2024 thôn có 4 gia đình có tang, cả 4 gia đình đều không tổ chức làm cỗ mời khách, chỉ tổ chức nhân dân trong làng, anh em, bạn bè đến thắp hương làm lễ viếng. Hàng năm cứ vào ngày mùng 16/3 âm lịch được tổ chức lễ hội làng đảm bảo trang trọng vui tươi an toàn, tiết kiệm, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Cũng trong dịp tết cổ truyền của dân tộc, chi ủy chi bộ và BCH thôn luôn quan tâm thăm hỏi động viên chúc tết các hộ gia đình chính sách, gia đình người có công với cách mạng, tặng quà cho các đối tượng tàn tật, hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Đối với thế hệ thanh niên, thiếu niên nhi đồng, chi ủy chi bộ và BCH thôn luôn quan tâm tạo điều kiện để chi đoàn thanh niên tổ chức vui tết trung thu cho các cháu được vui vẻ đầm ấm, tràn đầy tình thương yêu.
100% số cháu đến độ tuổi đi học đều được đến trường, học sinh thuộc diện hộ cận nghèo được Thành phố giảm một phần học phí và các khoản đóng góp khác nên không có học sinh nào phải bỏ học giữa chừng, thôn đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở trở lên, không có người mù chữ. Năm 2024 có 4 học sinh thi đỗ vào các trường đại học. Hiện nay toàn thôn đã có 2 dòng họ (Họ Nguyễn và họ Đỗ) thành lập được quỹ khuyến học - khuyến tài, trong đó dòng họ Nguyễn có 15 triệu đồng tiền quỹ và dòng họ Đỗ đã có trên 40 triệu đồng tiền quỹ để phục vụ công tác khuyến học, khuyến tài; các dòng họ đều tổ chức tặng quà khi các cháu thi đỗ vào các trường Đại học, tặng quà cho các cháu học sinh giỏi, học sinh có thành tích cao trong học tập, số em không đỗ Đại học, Cao đẳng thì được động viên đi học nghề và tìm công việc làm ổn định tạo thu nhập cho gia đình và xã hội.
Công tác an ninh thôn xóm luôn được quan tâm, tích cực tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng bằng nhiều hình thức và trên các phương tiện thông tin đại chúng cho nhân dân. Hiện thôn đã thành lập được đội tự quản gồm 60 thành viên giúp cho việc bảo vệ an ninh trật tự tại cộng đồng khu dân cư luôn được ổn định. Trong thôn không có tụ điểm: Mại dâm, ma túy, tệ cờ bạc đã được nhân dân ý thức và từng bước đẩy lùi. Trong năm qua thôn không có trường hợp nào nghiện ma túy hoặc nghi mắc nghiện; không có điểm tàng trữ và sử dụng các loại văn hóa phẩm độc hại thuộc loại cấm lưu hành.
Được sự quan tâm của Trạm y tế xã - y tế thôn luôn chăm sóc sức khỏe cho cộng động dân cư nhất là lứa tuổi các cháu mầm non và các cụ cao tuổi. Luôn tuyên truyền phổ biến để các cháu trong độ tuổi được tiêm vacxin phòng bệnh và được uống vitamin A theo định kỳ, 100% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ. Thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm đông người, hàng năm giảm 1,5% tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi; phụ nữ có thai được thăm, khám định kỳ. Đội ngũ cộng tác viên dân số KHH luôn kết hợp chặt chẽ với CLB sức khỏe sinh sản - CLB không sinh con thứ 3 để vận động chị em trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện tốt các biện pháp tránh thai nhằm giảm thấp tỷ lệ sinh và không sinh con thứ 3, giữ cân bằng giới tính.
3. Môi trường an toàn, thân thiện, cảnh quan sạch đẹp
Di tích lịch sử - văn hóa, cảnh quan thiên nhiên ở địa phương được bảo vệ, tôn tạo, không để xuống cấp. Hiện nay nhà văn hóa thôn được giữ gìn, bảo quản và sử dụng đúng quy định, đúng mục đích.
Công tác vệ sinh môi trường ngày càng đi vào nề nếp, rác thải được tổ chức thu gom hàng ngày; các tuyến đường tự quản của các đoàn thể thường xuyên được quán triệt để nâng cao ý thức trách nhiệm của hội viên đối với đoàn thể, với cộng đồng. Không có tình trạng các hộ sử dụng mái che, mái vảy, để vật liệu xây dựng lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè; đổ rác phế thải sai quy định. Được sự đồng thuận của nhân dân nên thôn đã duy trì tổ thu gom rác thải hàng ngày và vận động toàn dân tham gia tổng vệ sinh từ gia đình đến nơi công cộng vào cac buổi sáng. Vận động nhân dân không thả súc vật rông ngoài đường nên đường làng ngõ xóm của thôn luôn phong quang, sạch sẽ.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thôn đều thực hiện các quy định về môi trường đạt tiêu chuẩn. Trên 90% hệ thống thoát nước luôn được khơi thông và có nắp đậy đảm bảo VSMT.
Toàn thôn có 198 hộ/209 hộ sử dụng nước giếng khoan, bể nước mưa có hệ thống lọc đảm bảo tiêu chuẩn nước hợp vệ sinh; 85% các hộ sử dụng nước nước sạch của Công ty cấp nước nhằm phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt ăn uống của người dân. Có 209 hộ có nhà tắm quy mô khép kín, 209 hộ gia đình có công trình nhà vệ sinh hợp vệ sinh.
4. Chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ vững trật tự, an toàn xã hội; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương
Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy - HĐND - UBND xã, Ban CTMT thôn trong những năm qua luôn sát cánh với cấp ủy, Ban chỉ huy thôn vận động nhân dân thực hiện nghiêm chỉnh đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những quy định của địa phương. Trong năm qua nhân dân trong làng luôn duy trì mọi sinh hoạt về văn hoá tâm linh đúng pháp luật, không lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Hàng năm đến đợt khám tuyển, tuyển chọn NVQS, Ban chỉ huy thôn luôn quan tâm động viên gia đình và trực tiếp các thanh niên trong độ tuổi đi khám tuyển đầy đủ, sẵn sàng lên đường nhập ngũ khi trúng tuyển. Khi các thanh niên đã hoàn thành nhiệm vụ, có quyết định phục viên, xuất ngũ trở về địa phương thì kịp thời động viên họ tiếp tục tham gia công tác, học nghề, tạo việc làm ổn định cho bản thân và gia đình.
Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phong trào toàn dân đoàn kết phát huy dân chủ, mọi người đều sống, làm việc theo Hiến Pháp và Pháp luật, theo Quy ước, Hương ước của cộng đồng dân cư, những quy định của địa phương. Bởi vậy việc giữ gìn kỷ cương pháp luật luôn được mọi tầng lớp nhân dân coi trọng và nghiêm chỉnh chấp hành để xây dựng thôn “Không có tội phạm, tệ nạn xã hội” và không vi phạm an toàn giao thông; đưa nội dung về phòng chống ma túy vào Quy ước của làng.
Công tác hòa giải cũng được quan tâm, chú trọng với đội ngũ 7 thành viên trong tổ hòa giải, năm 2024 có 2 vụ đã hòa giải thành công tại địa bàn dân cư liên quan đến ghen tuông, hiểu lầm, 1 vụ liên quan đến lối đi ngoài bờ ruộng; việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn được ổn định.
Công tác xây dựng chính quyền được chi bộ hết sức quan tâm, củng cố và xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo thôn, các đoàn thể làm cơ sở để tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đến mọi người dân. Hoạt động của Trưởng thôn, Phó trưởng thôn và các đoàn thể trong thôn luôn đoàn kết; việc tổ chức họp bàn các nội dung công việc của thôn luôn được công khai, dân chủ, đúng quy trình, đúng pháp luật, được nhân dân tin tưởng và ủng hộ.
Công tác dân số kế hoạch hóa gia đình luôn được trú trọng, các mô hình, CLB không sinh con thứ 3 trở lên được quan tâm, các đoàn thể đã làm tốt công tác vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ không sinh con thứ 3 góp phần đảm bảo tỷ lệ sinh thay thế. Năm 2024 có 02 trường hợp sinh con thứ 3.
Chi bộ Đảng luôn duy trì chế độ sinh hoạt hàng tháng, đoàn kết thống nhất lãnh đạo nhân dân thực hiện các nhiệm vụ, nêu cao tinh thần “Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, phát huy tài năng trí tuệ của mỗi đảng viên trong việc phát triển kinh tế, xây dựng chi bộ ngày càng vững mạnh, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh. Chi bộ được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ; các tổ chức đoàn thể hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Chi hội NCT có 96 hội viên trong những năm qua chi hội luôn sinh hoạt theo điều lệ và luật NCT là một tổ chức đoàn thể mẫu mực xứng đáng là cây cao bóng cả, việc xây dựng quỹ hội đến nay được bình quân 600.000đ/hội viên.
Chi hội CCB có 28 hội viên luôn tích cực tham gia các phong trào của địa phương, tham mưu cho chi ủy chi bộ, trưởng, phó thôn thực hiện các nhiệm vụ đạt hiệu quả, tích cực tham gia quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng và chăm sóc tốt CLB Cựu quân nhân. Việc xây dựng quỹ hội đến nay bình quân đạt 1.000.000đ/hội viên.
Chi hội phụ nữ có 85 hội viên luôn tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương như: Nạo vét các tuyến mương máng nội đồng phục vụ cho tưới tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp của xã viên hàng năm, nhất là đã nhận quản lý 2 đoạn đường tự quản, thường xuyên vận động, tổ chức hội viên tham gia làm vệ sinh vào sáng thứ 7 hàng tuần. Đến nay đã xây dựng nguồn quỹ hội để thực hiện các hoạt động hội đạt bình quân 700.000đ/hội viên.
Chi hội nông dân có 67 hội viên trong những năm qua luôn áp dụng đưa KHKT vào sản xuất chăn nuôi, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có hiệu quả, xây dựng quỹ hội bình quân 200.000đ/hội viên.
Chi đoàn thanh niên có 46 đoàn viên, những năm qua chi đoàn luôn là nòng cốt trong các phong trào văn hóa văn nghệ, giáo dục truyền thống lịch sử đối với đoàn viên thanh niên, thanh thiếu niên và các cháu nhi đồng.
5. Có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng
Nhân dân trong làng luôn đoàn kết, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Tương thân tương ái”, nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Nhân đạo từ thiện” được khơi dậy, giữ vững và phát huy. Đã có nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, nhân đạo từ thiện như phong trào: “Áo lụa tặng bà”, “Chăn ấm tặng mẹ”, “Tặng nhà tình nghĩa”, “Sổ tiết kiệm tình nghĩa”. Năm 2024 thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” với tinh thần lá lành đùm lá rách, chú trọng quan tâm đến các gia đình thuộc diện chính sách, người có công; người khuyết tật, gia đình và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Mọi công việc của làng đều được đưa ra hội nghị nhân dân bàn bạc thống nhất triển khai để người dân ai cũng được biết, được bàn và kiểm tra giám sát nên trong những năm qua làng không có đơn thư khiếu nại vượt cấp.
III. ĐÁNH GIÁ KẾT LUẬN CHUNG.
Trong năm qua với sự giúp đỡ của các cơ quan, ban ngành huyện Đan Phượng, lãnh đạo chỉ đạo của Đảng ủy HĐND - UBND - UBMTTQ - HTX NN Phương Đình, sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ và nhân dân làng Cổ Ngõa đã hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, an ninh trật tự luôn được đảm bảo, cán bộ đảng viên và nhân dân luôn đoàn kết thống nhất cao quyết tâm phấn đấu xây dựng xóm, làng ngày càng giàu đẹp, văn minh, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện.
Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được thực hiện tốt, phát triển từ thấp đến cao, mang tính chính trị - xã hội và nhân văn sâu sắc, thật sự là cuộc vận động toàn dân, toàn diện, tiếp tục đi vào chiều sâu, ngày càng mở rộng và đã dấy lên phong trào thi đua rộng khắp, khơi dậy mạnh mẽ lòng yêu nước, phát huy sức mạnh nội lực của nhân dân, của cộng đồng dân cư, quan tâm chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được tốt hơn. Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được chú trọng, lòng dân ổn định, kinh tế nhân dân ngày càng phát triển đi lên, bộ mặt nông thôn mới ngày càng được khởi sắc góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh của thôn nói riêng và xã Phương Đình, huyện Đan Phượng nói chung.
IV. MỘT SỐ KHÓ KHĂN TỒN TẠI.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được như ở trên, tuy nhiên vẫn không thể tránh khỏi những khó khăn, hạn chế nhất định đòi hỏi thôn phải tập trung giải quyết, khắc phục đó là: Cổ Ngõa là đơn vị mới được thành lập, tuy có lịch sử hình thành từ thập kỷ 40 của thế kỷ trước, lòng dân chưa được ổn định, chưa thực sự thống nhất trong mọi việc làm bởi thôn được thừa hưởng 2 nền văn hóa, 2 tập quán sinh hoạt khác nhau, 2 xóm dân cư sống tách biệt cách nhau gần một cây số, nhân dân sống chủ yếu bằng nghề nông, nhưng diện tích đất canh tác bình quân chỉ đạt khoảng 210m2/người, đa số ruộng đất còn manh mún, chân ruộng cao thấp không bằng phẳng, khó áp dụng các biện pháp thâm canh kết hợp đưa các loại máy công nghiệp tiên tiến vào sản xuất và thu hoạch sản phẩm. Do vậy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhân rộng các mô hình sản xuất lớn có hiệu quả kinh tế cao còn gặp nhiều hạn chế.
Công tác triển khai, tổ chức thực hiện cuộc vận động “ Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” chưa đồng đều, chưa toàn diện, chưa mang tính bền vững, có khi, có việc còn mang tính hình thức. Các thành phần tham gia vào phong trào chủ yếu là đội ngũ người cao tuổi, chi hội CCB, chi hội phụ nữ và chi hội nông dân, đội ngũ thanh, thiếu niên. Tuy nhiên còn một số bộ phận nhân dân còn tỏ ra thờ ơ. Nhận thức của một số thành viên trong Ban vận động về mục đích, ý nghĩa của cuộc vận động chưa sâu sắc, toàn diện, chưa đi sâu tìm hiểu tư tưởng đến từng hộ gia đình, từng hội viên của đoàn thể mình quản lý; Công tác sơ kết, tổng kết, biểu dương, nhân rộng các mô hình tiêu biểu trong nhân dân để thúc đẩy phong trào thi đua thực hiện cuộc vận động chưa kịp thời nên hiệu quả đạt được còn thấp so với mặt bằng chung của xã.
V. PHƯƠNG HƯỚNG PHẤN ĐẤU GIỮ VỮNG VÀ PHÁT HUY DANH HIỆU LÀNG VĂN HOÁ TRONG NHỮNG NĂM TỚI.
Phát huy thành tích năm 2024 đã đạt được, năm 2025 cán bộ và nhân dân làng Cổ Ngoã quyết tâm thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau:
1. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, HĐND, UBND xã, chi bộ - BCTMT - Trưởng thôn, các đoàn thể tiếp tục phấn đấu cùng mọi tầng lớp nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thử thách, sáng tạo tìm ra những phương hướng mới, những cách làm hay để làm cho đời sống kinh tế của nhân dân luôn được giữ vững, ổn định và tăng trưởng bền vững. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm cho mọi tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò quan trọng của gia đình đối với xã hội, từ đó phát huy tốt tinh thần về xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hóa; xác định xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hóa là một trong những nội dung cốt lõi của phong trào thực hiện cuộc vận động “ Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của cả cộng đồng dân cư.
2. Giữ gìn, phát huy các giá trị tốt đẹp về truyền thống gia đình, truyền thống dân tộc, gắn liền với việc tiếp thu những tiến bộ của gia đình hiện đại, cao hơn nữa là để vun đắp tình yêu quê hương, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào trong mỗi thành viên của gia đình. Tình yêu này được thể hiện hằng ngày ở việc chấp hành Pháp luật một cách nghiêm túc, ra sức lao động để làm giàu hợp Pháp, chân chính nhằm cải thiện cuộc sống gia đình, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển đi lên về mọi mặt. Tuyên truyền giáo dục nhân dân tiếp tục phát huy truyền thống quê hương, giữ vững và phát huy ngày càng tốt những thành tích đã đạt được, khắc phục để hạn chế những nhược điểm tồn tại, kiên quyết đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, các tệ nạn xã hội, cương quyết không để tệ nạn ma túy, mại dâm xâm nhập vào khu dân cư để xây dựng làng Cổ Ngõa ngày càng giàu đẹp và văn minh.
3. Tiếp tục vận động toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, xây dựng thôn xóm sáng - xanh - sạch - đẹp, góp phần làm đẹp cảnh quan thôn xóm, đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng dân cư và duy trì công tác sản xuất phát triển kinh tế bền vững, tạo điều kiện cho mọi người được tiếp cận với các kiến thức về khoa học kỹ thuật hiện đại để thúc đẩy kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục ngày một đi lên.
4. Tích cực vận động toàn dân chấp hành chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách Pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, tiếp tục đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm Pháp luật làm băng hoại truyền thống tốt đẹp trong gia đình; loại trừ các hủ tục trong đời sống xã hội ở cộng đồng và các tệ nạn đang có chiều hướng nảy sinh, nhen nhóm từ trong cuộc sống của một số gia đình ở trong khu dân cư.
5. Vận động nhân dân đoàn kết xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh; gắn tình đoàn kết hơn nữa, phấn đấu cuộc vận động nhân dân xã hội hóa mua sắm bàn ghế, nội thất nhà văn hóa;tu sửa lại giếng làng; tu bổ, tôn tạo các hạng mục nhỏ thuộc khu di tích đình, chùa của thôn và tham gia giám sát công trình xây dựng khác.
Để giữ vững và phát huy những thành tích, kết quả đã đạt được, cán bộ và nhân dân làng Cổ Ngõa cần nêu cao tinh thần tự lực, tự cường quyết tâm, nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa để duy trì, giữ vững, tiếp tục phấn đấu đạt được danh hiệu “Làng văn hóa” ở giai đoạn sau và những năm tiếp theo./.
Nơi nhận: - BCĐ phong trào TDĐKXDĐSVH huyện; - BCĐ xã; - Chi bộ, BCTMTTQ, các chi hội, chi đoàn thôn; - Lưu. | T/M BCH THÔN CỔ NGÕA TRƯỞNG THÔN
Nguyễn Văn Trọng |
XÁC NHẬN CỦA UBND XÃ PHƯƠNG ĐÌNH
CHỦ TỊCH
Nguyễn Xuân Khăng